Tỉnh Vĩnh Phúc vừa hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 với những mục tiêu, chiến lược, giải pháp rõ ràng, cụ thể. Với một quãng thời gian triển khai xây dựng tương đối dài (gần 2 năm), với một địa phương có truyền thống nhiều đột phá, đi đầu từ thời khoán hộ, sản xuất vụ đông, khởi nguồn của hàng loạt chính sách thì Vĩnh Phúc được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá mới trên quê hương Kim Ngọc.

Đột phá từ chính những hạn chế

Trong những năm qua, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Vĩnh Phúc diễn ra rất nhanh, cơ cấu kinh tế có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp, tuy nhiên nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bản thân ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu. Chăn nuôi phát triển nhanh và trở thành ngành chính trong NLTS (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản). Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất NLTS đang có một số bất hợp lý: Sản xuất dàn trải trên nhiều lĩnh vực, không dựa trên lợi thế thị trường, phát triển không đồng bộ, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi yếu, phát triển thị trường hạn chế, chế biến kém phát triển, các biện pháp hỗ trợ chưa tập trung vào các ngành hàng chủ lực…

Bằng chứng là tốc độ sản xuất NLTS của tỉnh Vĩnh Phúc giảm trong những năm gần đây. Giai đoạn 2001-2005 là 7,1%/năm; 2006-2010 là 7,75%/năm; 2011-2015 là 3,51%/năm… Với sự phát triển mạnh của công nghiệp, NLTS Vĩnh Phúc bộc lộ một số bất hợp lý về cơ cấu. Thu nhập của người nông dân có khoảng cách ngày càng lớn so với đô thị… Mặc dù vậy, với vai trò, sứ mệnh của mình, nông nghiệp Vĩnh Phúc vẫn là ngành đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất của tỉnh. Năm 2014, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 10.160,8 tỷ đồng. Hiện nay, nông nghiệp Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều vùng sản xuất có quy mô lớn, hàng hóa đạt chất lượng cao, được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản và một số nước khác. Chính vì vậy, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 bắt buộc phải là lời giải cho những bài toán khó khăn, tạo nên bước đột phá mới để nâng cao hơn nữa sự đóng góp của nông nghiệp cho Vĩnh Phúc.

Trước hết, những người xây dựng đề án xác định, phải tạo sự đột phá từ chính những khó khăn hạn chế đang gặp phải bằng việc đề xuất một số cơ chế, chính sách thực hiện như: Khuyến khích tập trung tích tụ đất đai vào các tổ chức cá nhân có điều kiện, khả năng, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Thí điểm dồn thửa, đổi ruộng, rút kinh nghiệm từ đó nhân ra diện rộng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là đào tạo các chủ trang trại, nông dân chuyên nghiệp gắn với cây trồng vật nuôi cụ thể. Xây dựng các mô hình về ứng dụng KHCN, cơ sở hạ tầng các khu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản quy mô lớn để sản xuất hàng hóa có chất lượng, đảm bảo ATVSTP, bảo vệ môi trường, tạo sự lan tỏa trong sản xuất. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ nông dân để đưa các giống vật nuôi, thủy sản, cây trồng có năng suất chất lượng vào sản xuất để tăng giá trị trên một đơn vị canh tác, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trong quá trình hội nhập, tăng thu nhập cho nông dân.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, đề án đã vạch ra những chiến lược cụ thể, rõ ràng. Trước hết, về ngành sản xuất, Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên phát triển chăn nuôi, tập trung vào các ngành hàng bò sữa, bò thịt, lợn. Trồng trọt tập trung vào ngành hàng rau quả. Đẩy mạnh dịch vụ thương mại, chế biến sản phẩm NLTS. Xây dựng Vĩnh Phúc trở thành trung tâm đầu mối nông sản của cả vùng. Trên địa bàn tỉnh cũng được quy hoạch rõ rệt. Vùng trung du, miền núi sẽ tập trung phát triển chăn nuôi, bò sữa ở những khu vực ven sông, giảm dần và tiến tới không phát triển chăn nuôi ở đô thị, ven đô thị, trong khu dân cư. Các địa bàn đồng bằng phát triển các sản phẩm trồng trọt, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Vùng đô thị phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái ven đô.

Theo đề án, các hoạt động tổ chức sản xuất sẽ tích cực đổi mới tổ chức, hợp tác sản xuất, phát triển mô hình sản xuất NLTS quy mô lớn, chuyên môn hóa… Tổ chức sản xuất theo hướng phát triển các ngành hàng nông sản sạch, ATVSTP theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng. Phát triển ngành hàng gắn với thị trường mục tiêu cụ thể. Liên kết các DN-HTX, DN-hộ trang trại có vai trò quan trọng để phát triển ngành hàng, trong đó DN giữ vai trò quyết định. Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với thị trường mục tiêu. Áp dụng công nghệ cao, hiện đại, sạch, bảo vệ môi trường vào sản xuất.

Đề án cũng nêu rõ, sẽ tập trung về đầu tư công, ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ hạ tầng theo vùng sản xuất trọng điểm, các ngành hàng chủ lực (bò, lợn, rau quả) các cơ sở sản xuất an toàn theo quy hoạch. Ưu tiên hỗ trợ vào các điểm đột phá, có tác động lan tỏa mạnh để thu hút đầu tư. Tập trung, ưu tiên việc hỗ trợ việc áp dụng công nghệ cao, chế biến nông sản, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi bảo vệ môi trường.

Tập trung 4 ngành hàng chủ lực

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã xác định mục tiêu và giải pháp phát triển 4 ngành hàng chủ lực và một số ngành hàng khác.

Mục tiêu số 1 là phát triển chăn nuôi bò sữa, đưa chăn nuôi bò sữa tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một ngành hàng quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và góp phần tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập nông dân. Mục tiêu đến năm 2020 đàn bò sữa Vĩnh Phúc sẽ đạt 15.000 con, năng suất sữa/bò một chu kỳ khai thác tăng 20% so với năm 2014 (6 tấn sữa/bò/một chu kỳ). 100% bò sữa đạt tiêu chuẩn ATVSTP, 100% sữa được tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với DN. 300 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn. Muốn thực hiện được mục tiêu này, sẽ tập trung quy hoạch và hỗ trợ phát triển bền vững khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ địa phương dồn thửa đổi ruộng, nghiên cứu thiết kế mẫu chăn nuôi tập trung, hỗ trợ xây dựng quy chế quản lý khu chăn nuôi… Đào tạo người chăn nuôi bò sữa chuyên nghiệp, hỗ trợ xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa an toàn và quản trị tốt, hỗ trợ phát triển HTX chăn nuôi bò sữa và liên kết với DN tiêu thụ sản phẩm, phát triển thương hiệu và thị trường tiêu thụ sữa, hỗ trợ chuyển giao TBKT và xây dựng chính sách bảo hiểm chăn nuôi bò sữa.

Ngành hàng chủ lực chăn nuôi lợn. Đến năm 2020 sẽ tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình 5%/năm và nâng cao chất lượng con giống, phát triển đàn lợn có tỷ lệ máu ngoại cao. Phát triển chăn nuôi tập trung quy mô trang trại ở các địa bàn trung du, miền núi là khu vực dễ quản lý dịch bệnh, ít chịu sức ép về ô nhiễm môi trường. Sẽ có 10% hộ nuôi từ 500 con trở lên, 20% hộ nuôi từ 100-499 con, 40% hộ nuôi từ 20-99 con, 30% hộ nuôi dưới 20 con. Về giải pháp sẽ quy hoạch, phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm, chăn nuôi theo quy mô trang trại. Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm sạch, hướng tới thị trường cao cấp và xuất khẩu. Phát triển các hình thức liên kết sản xuất. Đào tạo tập huấn và hỗ trợ người chăn nuôi.

Vùng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Vân Hội Tam Dương

Ngành hàng chủ lực rau quả, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển rau quả trở thành ngành hàng quan trọng của tỉnh theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, VSATTP có giá trị tăng cao. Đến năm 2020 sẽ hình thành vùng chuyên canh rau quả tập trung với diện tích đã được quy hoạch là 3.100 ha. Đưa công nghệ cao vào sản xuất rau quả, 100% diện tích sản xuất rau quả theo hướng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thử nghiệm các mô hình sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ. Theo đề án, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ rà soát và điều chỉnh quy hoạch, chuyển một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau quả, hình thành các đơn vị sản xuất quy mô lớn thành 4.400 ha. Tổ chức định hướng thị trường, xây dựng cụm dịch vụ kinh doanh rau quả, đổi mới thể chế và mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh. Tập trung chính sách hỗ trợ, đào tạo tập huấn cho người nông dân.

Ngành hàng chủ lực bò thịt, Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt, nâng cao năng suất, chất lượng thịt. Phát triển theo quy mô lớn, hình thành vùng chăn nuôi bò thịt tập trung tại một số huyện như Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô…

Ngoài ra các ngành hàng khác như chăn nuôi gà, lúa gạo, các cây trồng, lâm nghiệp, thủy sản cũng đã có những mục tiêu, giải pháp cụ thể, rõ ràng trong đề án tái cơ cấu. Tất cả hướng đến mục tiêu vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế (đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 3,5-4%/năm) vừa đảm bảo hiệu quả xã hội./.

Nguồn: Sở Nông nghiệp&PTNT Vĩnh Phúc