Dồn thửa đổi ruộng (trước đây gọi là công tác chuyển đổi dồn ghép ruộng đất) trong nông nghiệp là việc chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn giữa các hộ nông dân nhằm đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào đồng ruộng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

 

Gia đình anh Nguyễn Văn Đề, xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) trồng hơn 1ha rau giống các loại tạo việc làm thường xuyên cho 10-20 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Những kết quả bước đầu

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có gần 87 nghìn ha đất nông nghiệp; gần 35 nghìn ha đất phi nông nghiệp và hơn 2.170ha đất chưa sử dụng. Thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất của Đảng và Nhà nước, những năm qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh dồn thửa đổi ruộng ở các địa phương. Theo ông Lỗ Văn Tước, Chi cục Trưởng Chi cục quản lý Đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường), công tác chuyển đổi dồn thửa đổi ruộng được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 1997 theo Kết luận số 42/TB-TU ngày 26/6/1997 của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 776/KH-UB ngày 21/7/1997 của UBND tỉnh, nhằm đẩy nhanh tiến độ tích tụ đất đai để cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành các trang trại sản xuất theo mô hình chăn nuôi - trồng trọt - thuỷ sản, bước đầu cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Theo đó, ngay năm đầu thực hiện, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) đã chuyển 30 ha đất chỉ cấy 1 vụ lúa thành đất 1 vụ lúa 1 vụ cá, tăng giá trị thu nhập gấp 3 lần; 30 ha trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau màu cho thu nhập tăng 1,5 lần; 20 ha trồng ngô chuyển sang trồng khoai tây cho thu nhập tăng 2,5 lần, giảm được diện tích bờ con trên 3,5 ha, tu bổ nâng cấp 6 tuyến đường nội đồng dài 4,2 km. Hàng chục hộ nông dân đã lập trang trại quy mô nhỏ và vừa, cho thu nhập khá.

Đặc biệt, sau một thời gian thực hiện, tính đến 31/12/2015, 17/17 xã, thị trấn của huyện Yên Lạc đã thực hiện công tác dồn thửa đổi ruộng gắn liền với quy hoạch lại đồng ruộng với diện tích đã chuyển đổi, dồn ghép 5.650/5.780 ha đất nông nghiệp, đạt 97%. Số thửa bình quân một hộ đã dồn ghép còn 3,85 thửa, giảm 4,27 thửa so với trước khi dồn ghép. Qua đó, đã giảm 10-12% chi phí công lao động bình quân trên đầu sào; năng suất cây trồng tăng 15 - 20kg/sào/năm.

Sau thành công dồn thửa đổi ruộng ở một số địa phương, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, đồng thời thực hiện thí điểm chính sách mới về sản xuất,năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí thực hiện thí điểm cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân gom ruộng sản xuất vụ Đông. Hiện trên địa bàn tỉnh có 663 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mua, thuê gom ruộng đất để phát triển nông nghiệp; 47 trang trại tổng hợp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; 2 doanh nghiệp được UBND tỉnh thu hồi đất, để giao đất phát triển sản xuất nông nghiệp đó là Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp VinEco Tam Đảo và Công ty nông nghiệp công nghệ cao.

Phải khẳng định rằng, việc tập trung, tích tụ ruộng đất thời gian qua ở các địa phương đã phát huy hiệu quả rõ nét trong sản xuất nông nghiệp. Người nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, hình thành vùng chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường; thuận tiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, tạo tiền đề liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; gắn kết giữa người sản xuất với các đơn vị cung ứng giống, vật tư nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá bán sản phẩm. Theo tính toán của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, thông qua công tác tích tụ ruộng đất, góp phần không nhỏ nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Cụ thể, cây su su cho thu lãi hơn 400 triệu đồng/ha; cây dưa chuột gần 90 triệu đồng; cây mướp trên 120 triệu đồng; thanh long ruột đỏ trên 1 tỷ đồng/5 năm; ly ly 1,7 tỷ đồng/ha…

Quyết tâm dồn thửa đổi ruộng thành công

Có thể khẳng định, việc dồn thử đổi ruộng là một chủ trương đúng, phù hợp với Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, công tác dồn thửa đổi ruộng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ngoài 2 huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường đạt được một số kết quả nhất định, các địa phương khác hầu hết chỉ dừng ở bước lập phương án, chuyển đổi một số vị trí trong các hộ gia đình, cá nhân. Hiện toàn tỉnh có khoảng 96% hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh có diện tích nhỏ hơn 0,5ha. Mỗi hộ có trung bình 5,7 thửa, mỗi thửa ruộng trồng cây hàng năm khoảng 362m2. Diện tích đất được tập trung, tích tụ chưa đạt 5% so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân do nguồn kinh phí thực hiện các hạng mục quy hoạch, cải tạo lại hệ thống đồng ruộng còn thiếu; nhiều hộ dân đòi giá thuê đất cao hơn so với quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về tập trung, tích tụ ruộng đất chưa đầy đủ, còn tâm lý sợ mất đất nên không cho thuê mặc dù không có nhu cầu sử dụng; công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về tập trung, tích tụ ruộng đất chưa thực hiện quyết liệt…

Theo ông Lỗ Tất Chánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Tường, sau đợt dồn thửa đổi ruộng các năm 1997 - 2006, số thửa bình quân/hộ trên địa bàn huyện đã giảm, trung bình toàn huyện còn 5,6 thửa/hộ, diện tích thửa bình quân gần 300m2 nhưng vẫn cao hơn các huyện: Phúc Thọ (thành phố Hà Nội) 1,58 thửa/hộ; Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) 1,5 thửa/hộ; huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) 1,8 thửa/hộ…điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, dẫn đến chi phí giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh kém.

Trước yêu cầu nhiệm vụ về sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 201 về một số cơ chế chính sách thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó có chính sách về đất đai để thực hiện dồn thửa, đổi ruộng. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thí điểm dồn thửa đổi ruộng trong nông nghiệp. Ban chỉ đạo công tác dồn thửa đổi ruộng và giải quyết đất dịch vụ tỉnh đã thống nhất lựa chọn 2 xã: Ngũ Kiên, Cao Đại (Vĩnh Tường) thực hiện thí điểm dồn thửa đổi ruộng với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ cho mỗi xã thực hiện thí điểm gần 5 tỷ đồng. Theo đó, từ nay đến 31/12/2017, các xã thí điểm dồn thửa đổi thửa tập trung tuyên truyền, thuyết phục tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong Đảng và quần chúng nhân dân và xác định, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đem lại lợi ích cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp; thành lập BCĐ dồn thửa đổi ruộng các cấp; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lại đồng ruộng và bố trí cơ cấu sử dụng đất hợp lý cho từng khu vực; xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, giao đất quỹ 1 tại thực địa cho các khu hành chính...

Theo ông Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, việc dồn thửa đổi ruộng ở các địa phương sẽ được thực hiện theo nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của người sử dụng đất đã được giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ và các quyết định số 450,159 của UBND tỉnh; đồng thời không để xảy ra các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương khi thực hiện dồn thửa đổi ruộng. Giữ nguyên số khẩu và diện tích giao cho mỗi khẩu ở thời điểm 15/10/1993. Sau khi dồn thửa đổi ruộng, mỗi hộ sẽ còn 1- 3 thửa để sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra cánh đồng lớn, bằng phẳng, đồng nhất, có hệ thống bờ vùng, bờ thửa, thủy lợi khoa học, hợp lý, thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, từng bước áp dụng các tiến bộ KHKT để thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng giải phóng sức lao động, giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân trên đơn vị diện tích, tạo tiền đề thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Đặc biệt, , vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác dồn thửa đổi ruộng của tỉnh làm Trưởng đoàn đã trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác dồn thửa đổi ruộng tại tỉnh Nam Định. Đây là cơ sở để tỉnh Vĩnh Phúc tham khảo, học tập, triển khai thành công dồn thửa đổi ruộng trong thời gian tới.

Theo: Báo Vĩnh Phúc