Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta phát triển tương đối mạnh và đem lại cơ hội nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế và phát triển chưa thực sự bền vững.

Gia đình ông Nguyễn Đắc Yên, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) nuôi cá thâm canh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện, toàn tỉnh có hơn 7.000 ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó, có 3.500ha chuyên cá và 3.500ha một lúa, một cá tập trung chủ yếu ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên…Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có gần 11.000 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó, có gần 10.000 hộ nuôi bằng diện tích mặt nước; gần 20 hộ nuôi lồng, bè; gần 800 hộ và 10 cơ sở (2 cơ sở Nhà nước và 8 cơ sở tư nhân) tham gia sản xuất giống thủy sản. Từ năm 2014-2015, ngành thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản bình quân đạt 4,2%/năm; sản lượng thủy sản nuôi trồng bình quân đạt 17,5 nghìn tấn/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản chiếm 8,4% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông-lâm-thủy sản. Cùng với đó, hoạt động sản xuất và cung ứng cá giống cũng tăng trưởng mạnh, sản lượng cá giống tăng từ 2.540 triệu con (năm 2013) lên 2.623 triệu con (năm 2016), cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của bà con trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn xuất bán cho một số tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang,…

Nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã tích cực tham mưu cho Sở NN&PTNT đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản. Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 201 của HĐND tỉnh, chi cục đã triển khai hỗ trợ 130 ha nuôi cá giống mới gồm: Rô phi đơn tính và Chép lai 3 máu cho 116 hộ trên 8 huyện, thành, thị (trong đó, có 115 ha nuôi cá chính vụ, 15 ha nuôi cá qua đông). Qua kiểm tra, theo dõi và đánh giá kết quả cho thấy, cá sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt khối lượng bình quân từ 700- 900g/con, năng suất đạt 13 tấn/ha, lợi nhuậnđạt trên 100 triệu đồng/ha. Đồng thời, triển khai hỗ trợ 35 máy sục khí cho 35 hộ trên địa bàn 5 huyện gồm: Vĩnh Tường (5 máy); Yên Lạc (5 máy); Lập Thạch (5 máy), Sông Lô (7 máy), Tam Dương (3 máy) để giúp các hộ nuôi cá thâm canh hạn chế được tình trạng cá chết do thiếu ô xi, nhất là vào những ngày nắng nóng, trời âm u, thời tiết thay đổi đột ngột. Bên cạnh đó, chi cục thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá giống mới, nuôi thâm canh gắn với bảo vệ môi trường; nuôi cá thịt theo quy trình VietGap, an toàn sinh học để giúp các hộ tăng năng suất, giá trị nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phòng bệnh cho thủy sản, chăm sóc đàn cá bố mẹ, đảm bảo cung ứng con giống có chất lượng cho người nuôi; phối hợp với các đơn vị thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi thủy sản và quản lý sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh.

Nhờ vậy, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh bước đầu phát triển ổn định, diện tích nuôi bán thâm canh và thâm canh các loại cá giống mới ngày càng được mở rộng. Nhiều hộ dân đã quan tâm, chú trọng hơn đến việc đưa các tiến bộ KHKT về giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, phòng, chống dịch bệnh...

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh ta phát triển vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự bền vững. Chia sẻ về vấn đề này, bà Phan Thị Luyến, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt thấp; đầu ra không ổn định. Nguyên nhân là do bà con chủ yếu nuôi thủy sản theo phương thức quảng canh, cải tiến và bán thâm canh sử dụng phụ phẩm, phế phẩm trong chăn nuôi là chính; vốn đầu tư cũng như nhận thức và trình độ kỹ thuật của người dân còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc chuyển giao tiến bộ KHKT vào nuôi thủy sản. Thêm một nguyên nhân nữa là ngành thủy sản của tỉnh hiện nay vẫn chưa có quy hoạch riêng, chưa thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư; chưa tổ chức được liên kết trong sản xuất như: Sản xuất theo chuỗi, tổ hợp tác, hợp tác xã. Trong khi đó, thời tiết diễn biến thất thường, nguồn nước để phục vụ nuôi thủy sản đa phần phụ thuộc vào nước thủy nông gây khó khăn cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là sản xuất giống”.

Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, thời gian tới, chi cục tham mưu, xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản theo vùng và xã trọng điểm giai đoạn 2016-2020 định hướng 2030; cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất thủy sản như: Hệ thống bờ bao, cấp thoát nước, ao, bể giao thông…; tổ chức phát triển sản xuất cá giống theo HTX, tổ, nhóm và tập huấn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, sản xuất cá giống theo quy trình an toàn, có chứng nhận; hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho cá thịt; tích cực chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất thủy sản; tiếp tục hỗ trợ để mở rộng diện tích nuôi cá giống mới theo hướng thâm canh, phát triển một số loài đặc sản có giá trị kinh tế cao để tăng năng suất, đa dạng đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả cũng như giá trị nuôi trồng thủy sản; tiếp tục thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2016-2020.

Theo: Báo Vĩnh Phúc