Được sự quan tâm của Thường trực Đảng uỷ khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 02/7/2017 đến ngày 05/7/2017, Hội Cựu chiến binh khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cho các đồng chí Cựu chiến binh đại diện cho các Hội Cựu chiến binh cơ sở trong Khối đi thăm lại chiến trường xưa và các di tích lịch sử quan trọng của đất nước - Đó là những tên đất, tên làng, con sông dòng suối… những nơi mà “người lính Cụ Hồ” đã sống và chiến đấu với biết bao kỷ niệm không thể mờ phai về một thời gian khổ hy sinh. Đây là một nội dung hoạt động quan trọng, nhằm ôn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang của dân tộc, của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa; tạo khí thế thi đua sôi nổi, thiết thực, chào mừng thành công của Đại hội Đại biểu Hội Cựu chiến binh khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ II, nhiệm kỳ 2017 - 2022; hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017). Tăng cường sự gắn bó, tình cảm giữa các thành viên trong Hội CCB khối Doanh nghiệp.

   Cùng đi với Đoàn có đồng chí Tạ Văn Tính - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng uỷ khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc (Hội viên Hội Cựu chiến binh Cơ quan Đảng ủy Khối) tham dự.

 

Đoàn thăm Tượng đài chiến thắng Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc

   Chuyến đi lần này đoàn đã chọn địa điểm tham quan là các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Trong chuyến đi, Đoàn đã tham quan các địa điểm : Tượng đài chiến thắng Buôn Mê Thuột, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, di tích Nhà ngục Kon Tum, nhà máy Thủy điện Yaly, Biển Hồ Tơ nưng và Buôn Đôn; giao lưu, thưởng thức văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên với đồng bào dân tộc Êđê tại Buôn Ako Dhong, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc.

  Các Cựu chiến binh trong Đoàn đã cùng nhau ôn lại lịch sử của Chiến dịch Tây Nguyên, chiến thắng Buôn Mê Thuột, Plei Ku, bởi trong chiến tranh, Tây Nguyên là một trong ba địa điểm trọng yếu có tính quyết định sứ mệnh của dân tộc Việt Nam, nơi mà các nhà quân sự của ta và địch đều đã nhận định: “Ai chiếm được Tây Nguyên, người đó sẽ có được cả khu vực Đông Dương”. Chiến dịch Tây Nguyên cũng là chiến dịch mở màn cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong đó trận đánh vào Buôn Ma Thuột là trận đánh then chốt, trận đánh mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của bộ đội ta.

   Đoàn đã chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất Tây Nguyên nói chung, trong đó có thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, thủ phủ của khu vực Tây Nguyên sau 42 năm giải phóng; chứng kiến sự hồi sinh của các vùng đất Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc. Ôn lại lịch sử đấu tranh, tinh thần bất khuất, quả cảm của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, giam cầm làm tù nhân chính trị trong Nhà ngục Kon Tum; tìm hiểu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tìm hiểu cách thuần dưỡng voi của người dân tộc Mơ Nông.

   Sau 42 năm giải phóng, thị xã Buôn Ma Thuột (Trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của Tây Nguyên nói chung) đã vươn lên trở thành thành phố cấp một trực thuộc tỉnh, một thành phố đầy năng động và phát triển vượt bậc. Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các thành viên trong đoàn, góp phần giáo dục ý chí, truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Theo: Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc